Nhà rông |
Nhà Rông gắn chặt với các lễ hội hàng năm của làng. Có nhà Rông đương nhiên có lễ hội: Lễ hội đâm trâu, lễ mừng cơm mới... Ðây là nơi tụ tập mỗi khi có việc lớn do già làng đảm trách. Nhà Rông còn là nơi giao lưu đánh chiêng múa hát, kể chuyện, truyền thụ những kinh nghiệm và tinh hoa văn hoá của cộng đồng. Nhà Rông trưng bày, gìn giữ các tài sản chung của làng như trống, chiêng, cồng, vũ khí... và cũng là nơi dành để tiếp khách.
Kiến trúc độc đáo. Kiến trúc nhà Rông là một chỉnh thể về mặt quy hoạch kiến trúc, đồng thời cũng là nét văn hoá đặc thù của các dân tộc Bắc Tây Nguyên, trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Nhà Rông là sản phẩm do chính bàn tay, trí tuệ và công sức của dân làng, thực hiện do một nhóm nghệ nhân trong làng chỉ huy. Công việc làm nhà Rông kéo dài có khi tới vài năm. Từ việc chọn đất đến chuẩn bị vật liệu xây dựng, tất cả lấy từ rừng. Ðiều kỳ lạ là toàn bộ ngôi nhà là quy mô khá đồ sộ nhưng không hề sử dụng cây đinh, cọng kẽm nào và đo đạc cũng chỉ bằng cánh tay, bàn tay, dụng cụ thi công chủ yếu là rìu, rựa, dao... Thế nhưng nhà Rông hoàn chỉnh vẫn ở độ chính xác cao. Nhà Rông phải được đứng ở vị trí trung tâm của làng, xung quanh thoáng mát, có sân để vui chơi trong các ngày lễ (nhà Rông còn dựng cả cây nêu và cột gưng nơi diễn ra lễ đâm trâu).
Nội thất nhà Rông mỗi dân tộc có cách trang trí khác nhau. Thường thì trổ 4 cửa (trước sau và hai bên). Cầu thang cửa trước, cột và tay vịn đều đẽo gọt công phu hình bầu nước hoặc hình người. Sàn nhà được lát bằng cây lồ ô đập dẹt, có 1-4 bếp lửa. Trang trí bên trong nhà Rông chủ yếu là các hoạ tiết hoa văn. Các cột chính và nhà ngang, các mối dây buộc được trình bày rất khéo léo và nghệ thuật. Các màu trang trí hoa văn cũng sử dụng từ vỏ cây, quả cây rừng. Theo tục lệ, trước và sau khi dựng nhà Rông đều phải có lễ. Lễ đầu tiên là xin các thần cho làng xây dựng nhà Rông, xin thần rừng cho lấy cây gỗ, mây tre về dựng và sau khi dựng xong phải có lễ hội tương đối lớn. Sau lễ này thì nhà Rông được xem là có thần về ngự trị. Chính vì vậy mà khi dựng nhà mới cũng như khi sửa lại, già làng phải làm lễ xin các thần cho phép được sửa sang, tu bổ.
Nhà Rông truyền thóng vừa là nơi hội tụ gìn giữ bản sắc văn hoá của cộng đồng nhỏ, vừa là niềm tự hào của cộng đồng. Những nhà nghiên cứu dân tộc cho rằng: cùng với trường ca, cồng chiêng, kiến trúc nhà mồ, tượng mồ, nhà Rông là những đóng góp quý giá nhất của văn hoá Tây Nguyên vào kho tàng văn hoá Việt Nam.
1 nhận xét:
Đẹp quá
Post a Comment